Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Trời Tự Do

Trời tự do, sẽ không lo ngày đói ngày no,
Trời tự do, ánh dương tàn, sẽ toàn vì sao,
Trời tự do, sẽ dập dìu những con diều no gió.
Ôi! trời cao xanh hỏi có còn tự do?
Trong lặn ngụp, bơi giữa dòng đời gian lao,
Trong chiến đấu vô vọng vì cơm áo,
Trong tiếng thở than, đời người khốn khổ,
Trong thê lương, gầm gừ của giông bão.
Ta sẽ đi đâu, để tìm tự do?
Có phải miền sỏi đá trên Sao Hỏa?
Có phải chỉ mãi là một giấc mơ?
Trời tự do!

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Địa Ngục Trần Gian

"Địa ngục" là cụm từ phổ biến và được nhiều người nhắc tới, nhưng địa ngục ở đâu?, nó như thế nào? thì gần như không ai biết, nó chỉ tồn tại theo dạng năng lượng sinh học của tinh thần. Nhưng địa ngục vẫn hiển nhiên tồn tại, được công nhận có ý thức hoặc vô ý thức, đó là nơi của bất hạnh và đau khổ, của tuyệt vọng và bế tắc không lối thoát. Là nơi giam giữ linh hồn, và tạo ra một trạng thái buông xuôi hoàn toàn, thể xác đờ đẫn đi lang thang vô định.

Tương truyền đến rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, cánh cửa địa ngục sẽ mở ra cho những linh hồn lên dương thế. Và dương gian sẽ làm lễ cầu siêu cho các linh hồn được siêu thoát lên thiên đường. Đây là một hoạt động mang ý nghĩa về tâm linh, là sự hồi ức về những người đã khuất. 

Người sống phát ra năng lượng sinh học, và khi chết đi năng lượng đó vẫn được lưu giữ với sức mạnh suy giảm một cách từ từ, nên dân gian mới có ý niệm để tang và xả tang. Sau 1.000 ngày năng lượng của những người đã chết suy giảm trên dương thế và bị nhốt trong tro cốt của họ chôn sâu dưới lòng đất hoặc theo mạch nước ngấm sâu tới các dòng sông ngầm, và không còn ảnh hưởng tới dương thế. Vậy địa ngục ở đâu? khi mà sự thật rằng: năng lượng của những người đã chết sẽ ẩn sâu vào lòng đất.

Chỉ khi sống ta mới có nhận thức về địa ngục, khi chết nhận thức đó không thể khẳng định hay phủ định. Nhưng tùy vào hoàn cảnh, tôn giáo, văn hóa, đời sống kinh tế, tinh thần và tri thức mà khoảng không gian ta đang sống có thể trở thành địa ngục trần gian hay không. Nói cách khác cảm giác đau khổ, bất hạnh, khủng hoảng và điên loạn chính là cái bóng của địa ngục.

Tại sao ta có cảm giác về địa ngục? Đó là cảm giác sụp đổ niềm tin về những giá trị tốt đẹp, cảm giác muốn chết hoặc sát hại hay trả thù một cá nhân nào đó, tất cả cùng có chung một điểm đó là cảm giác bản ngã hay cái tôi cá nhân bị xâm hại, nó thôi thúc ý nghĩ bảo vệ hoặc khẳng định cái tôi. Vậy cái tôi vô hình trở thành chìa khóa mở cánh cửa địa ngục trần gian. 

Nhu cầu thể hiện cái tôi phát triển mạnh khi cảm giác sợ xấu hổ, sợ mất vị trí, sợ thua thiệt, sợ bị xem thường...trỗi dậy. Thay vì nỗ lực hoàn thiện bản thân để chiến thắng những nỗi sợ, đa phần sẽ tự gây áp lực cho mình bằng những tiêu chuẩn vượt xa khả năng, bằng những bào chữa hoàn cảnh bi đát của mình là do ngoại lực tác động. Từ đó sinh ra xu hướng bạo lực, phản kháng, cách mạng hoặc trà thù đẫm máu, đó là điểm bắt đầu của địa ngục trần gian và trượt dài trong việc đánh mất linh hồn và những giá trị đúng đắn cho chính cái tôi của mình.

Cái tôi rơi xuống đáy của vực thẳm, thành một cái xác không đầu, trên tay cầm cái đầu chứa hệ tư tưởng hoàn toàn xa lạ với bản thân, không gian sống nhuộm đỏ màu của hận thù, với niềm tin tôn thờ các giá trị ảo tưởng để xoa dịu nỗi sợ vô hình của cái tôi. Cuối cùng cuộc sống trở nên tẻ nhạt và chìm đắm trong những ngày tháng vô vị. Đó chính là một bức tranh địa ngục trần gian.



Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Ghế Đỏ

Chiếc ghế, căn phòng, sự phồn thực, thể xác và dục vọng...là những hình tượng và mục tiêu quen thuộc của con người. Nhưng nó thường rời rạc. đầy mây mù, không rõ ràng, một hình ảnh gần gũi nhưng xa lạ. 

Một khối thống nhất nhưng không thống nhất, nó như tâm trạng tiến thoái lưỡng nan, hoang mang phổ biến mà con người hay phạm phải. 

Tất cả nguyên nhân cũng vì chiếc ghế nào đó hay vị trí nào đó để thể hiện bản năng cơ bản hay cái tôi của con người.


Tiếng Thét Hay Lời Tuyệt Vọng Khẩn Cầu Thượng Đế

Chuyện đời, chuyện người hay chuyện thế gian chẳng có gì ghê gớm cả, nó chỉ là một bức tranh. Và bức tranh đó ra sao tùy thuộc vào bộ não của người vẽ. Cũng vì lẽ đó tôi vẽ bức tranh này bằng bộ não chứ không phải bằng mắt, và hiển nhiên những người có não sẽ nhìn nó.

 Có quá nhiều điều tồn tại trong cuộc sống của chúng ta, quá nhiều nỗi sợ, quá nhiều tư tưởng và cũng quá nhiều những điều kì lạ. Tất cả chúng ta đều hoang mang trong đó và thỉnh thoảng tuyệt vọng thốt lên "Trời Ơi!". Và rồi đáp lại lời khẩn cầu đó chỉ là chính ý nghĩ của chúng ta. 

Ý nghĩ có thể vay mượn, có thể do tự sáng tạo ra, nhưng mục đích tối thượng của nó vẫn là dẫn dắt bản thân đến tự do và hạnh phúc. Và dẫu cuộc sống có đau thương tới đâu đi nữa, chỉ có tư duy của chính ta mới dẫn lối đến chân trời tự do để đắm chìm trong cơn mưa hạnh phúc.



Bài Ca Tự Do

Tôi vẽ bức họa này trong những ngày căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, cả thế giới hướng mắt quan sát như nhìn lên sân khấu kịch, những chuyển động, những lời thì thầm bàn tán về hòa bình, tự do, chiến tranh...Như một điệu múa của các thiếu nữ khoác lên mình chiếc áo chủ nghĩa dân tộc. 

Và dẫu hiện tại hay quá khứ bi thương dân tộc nào trên thế giới cũng diều muốn nhìn tới màu hồng tươi sáng lạc quan để chạm tới hòa bình và tự do. 

Mọi thể chế không đảm bảo được hòa bình, tự do hạnh phúc và thịnh vượng cho đồng bào mình trước sau cũng chỉ là tấm màn sân khấu sẽ bị kéo sang một phía để nhường chỗ cho ánh sáng, điệu múa và những niềm ao ước chân chính về hòa bình thịnh vượng.


Tâm Trạng Hay Tâm Hồn

Vẽ chân dung ngoài việc tuân theo giải phẫu hay miêu tả giống nhân vật đến từng mm, còn một yếu tố quan trọng không kém đó là tâm trạng của nhân vật hay khoảnh khắc đắt giá để biểu thị được tâm hồn nhân vật. 

Tâm trạng đó không chỉ đại diện cho tâm hồn của một cá nhân, nó còn lan tỏa đến người xem để tìm kiếm sự đồng cảm, sự rung động trong tâm hồn và làm mềm đi những ý nghĩ hung ác và tội lỗi. 

Đó chính là giá trị chân thiện mỹ tuyệt vời mà nghệ thuật tạo ra, nó không có giá trị vật chất, nhưng lại chính là vật chất. Bởi lẽ việc tạo ra vật chất chính là để thỏa mãn và xoa dịu tâm hồn. 

Công năng của nghệ thuật là tạo ra tâm trạng và thúc đẩy lòng trắc ẩn của tâm hồn, nó sinh ra vật chất vô hình và ẩn chứa sức mạnh của nội lực. Nói cách khác một bức tranh tả chân dung phải miêu tả được tâm trạng hay tâm hồn của nhân vật, những cảm xúc ẩn giấu bên trong và chờ người xem tự khám phá dựa trên chính sự đồng cảm của bản thân.


Bức Tranh Nhân Quyền.

Khoản 2 điều 38 bộ luật dân sự qui định: " Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền." 

Theo điều luật trên thì công dân Việt Nam có quyền về bí mật đời tư, nhưng thực tế trên mạng xã hội việc soi mói đời tư cá nhân, bêu xấu và cố tình tổn hại tinh thần của các nạn nhân đang rất phổ biến. Điều đó cũng là hành vi đàn áp nhân quyền, soi mói đời tư đôi khi khiến nạn nhân tự sát lại ngụy biện đó là quyền tự do phát ngôn. 

Bất cứ ai cũng có quyền tự do nêu ý kiến, lập luận về các nội dung tư tưởng, nhưng hoàn toàn không được quyền nói về người khác để gây tổn hại tinh thần cho họ. 

Sự dẫm đạp lên nhau đầy bạo lực và soi mói đời tư cá nhân chẳng khác biệt nhau mấy, chỉ khác một bên đau đớn về thể xác, một bên đau đớn về tinh thần. Tôi đã vẽ bức tranh nhân quyền theo một suy đơn giản như thế.

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Chiếc Xe Hùng Vương.

Tôi vẽ chiếc xe Su sport này, loại xe một thời là biểu tượng cho dân chơi, nay đã là quá khứ. Và khoác lên áo quá khứ đó một lịch sử dân tộc những họa tiết và màu sắc cổ điển từ thời Hùng Vương.

Những người trẻ thường ít quan tâm tới lịch sử, hoặc chỉ nhớ thoáng qua, những người già lại luôn dùng lịch sử để nói về tương lai. Ai đúng hay sai thì hiện tại vẫn phải sống để tiến đến tương lai.

Chúng ta hoàn toàn có thể dùng lịch sử để làm đẹp hay tô điểm thêm cho chiếc xe đã được nâng cấp động cơ. Nói cách khác lịch sử chỉ là chiếc áo còn tư duy là động cơ, không có áo ta sẽ thiếu văn minh và động cơ yếu ta sẽ lạc hậu.




Bức Họa Người Mối.

 Trong một lần khám phá thiên nhiên, những khúc gỗ bị mối đục khoét đã thu hút tôi. Chúng khiến tôi liên tưởng đến thói quen đục khoét của vài cá nhân, ý tưởng về bức tranh người mối lóe sáng. Tôi bắt tay vào thể hiện chân dung người mối, nó trông thật đáng sợ, giống như sự đáng sợ của những cá thể đục khoét và bòn rút của cải, tài nguyên quốc gia. 

Lấy ví dụ một sản phẩm đồ gỗ có nước sơn thật đẹp, bên trong đang bị mối đục khoét sẽ không ai phát hiện ra cho đến khi có một sự va chạm nào đó phá hủy nước sơn để lộ ra cấu trúc bên trong đã bị phá hủy hoàn toàn, đó là câu chuyện phổ biến cho những sản phẩm đồ gỗ kém phẩm chất. 

Câu chuyện đó cũng có một ý nghĩa trừu tượng trong quản lý vĩ mô ở một số quốc gia. Sự che đậy không xử lý kịp thời đã khiến mối phát triển mạnh, tương tự như sự che đậy bằng vỏ bọc tốt đẹp khiến cái xấu bên trong càng trở nên lớn mạnh. 

Và điều đó khiến chúng ta một lần nữa phải xác nhận tính chính xác của câu nói: " tốt gỗ hơn tốt nước sơn".