Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Địa Ngục Trần Gian

"Địa ngục" là cụm từ phổ biến và được nhiều người nhắc tới, nhưng địa ngục ở đâu?, nó như thế nào? thì gần như không ai biết, nó chỉ tồn tại theo dạng năng lượng sinh học của tinh thần. Nhưng địa ngục vẫn hiển nhiên tồn tại, được công nhận có ý thức hoặc vô ý thức, đó là nơi của bất hạnh và đau khổ, của tuyệt vọng và bế tắc không lối thoát. Là nơi giam giữ linh hồn, và tạo ra một trạng thái buông xuôi hoàn toàn, thể xác đờ đẫn đi lang thang vô định.

Tương truyền đến rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, cánh cửa địa ngục sẽ mở ra cho những linh hồn lên dương thế. Và dương gian sẽ làm lễ cầu siêu cho các linh hồn được siêu thoát lên thiên đường. Đây là một hoạt động mang ý nghĩa về tâm linh, là sự hồi ức về những người đã khuất. 

Người sống phát ra năng lượng sinh học, và khi chết đi năng lượng đó vẫn được lưu giữ với sức mạnh suy giảm một cách từ từ, nên dân gian mới có ý niệm để tang và xả tang. Sau 1.000 ngày năng lượng của những người đã chết suy giảm trên dương thế và bị nhốt trong tro cốt của họ chôn sâu dưới lòng đất hoặc theo mạch nước ngấm sâu tới các dòng sông ngầm, và không còn ảnh hưởng tới dương thế. Vậy địa ngục ở đâu? khi mà sự thật rằng: năng lượng của những người đã chết sẽ ẩn sâu vào lòng đất.

Chỉ khi sống ta mới có nhận thức về địa ngục, khi chết nhận thức đó không thể khẳng định hay phủ định. Nhưng tùy vào hoàn cảnh, tôn giáo, văn hóa, đời sống kinh tế, tinh thần và tri thức mà khoảng không gian ta đang sống có thể trở thành địa ngục trần gian hay không. Nói cách khác cảm giác đau khổ, bất hạnh, khủng hoảng và điên loạn chính là cái bóng của địa ngục.

Tại sao ta có cảm giác về địa ngục? Đó là cảm giác sụp đổ niềm tin về những giá trị tốt đẹp, cảm giác muốn chết hoặc sát hại hay trả thù một cá nhân nào đó, tất cả cùng có chung một điểm đó là cảm giác bản ngã hay cái tôi cá nhân bị xâm hại, nó thôi thúc ý nghĩ bảo vệ hoặc khẳng định cái tôi. Vậy cái tôi vô hình trở thành chìa khóa mở cánh cửa địa ngục trần gian. 

Nhu cầu thể hiện cái tôi phát triển mạnh khi cảm giác sợ xấu hổ, sợ mất vị trí, sợ thua thiệt, sợ bị xem thường...trỗi dậy. Thay vì nỗ lực hoàn thiện bản thân để chiến thắng những nỗi sợ, đa phần sẽ tự gây áp lực cho mình bằng những tiêu chuẩn vượt xa khả năng, bằng những bào chữa hoàn cảnh bi đát của mình là do ngoại lực tác động. Từ đó sinh ra xu hướng bạo lực, phản kháng, cách mạng hoặc trà thù đẫm máu, đó là điểm bắt đầu của địa ngục trần gian và trượt dài trong việc đánh mất linh hồn và những giá trị đúng đắn cho chính cái tôi của mình.

Cái tôi rơi xuống đáy của vực thẳm, thành một cái xác không đầu, trên tay cầm cái đầu chứa hệ tư tưởng hoàn toàn xa lạ với bản thân, không gian sống nhuộm đỏ màu của hận thù, với niềm tin tôn thờ các giá trị ảo tưởng để xoa dịu nỗi sợ vô hình của cái tôi. Cuối cùng cuộc sống trở nên tẻ nhạt và chìm đắm trong những ngày tháng vô vị. Đó chính là một bức tranh địa ngục trần gian.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét