Thứ Tư, 9 tháng 9, 2015

Thời Trang Lính

Tôi khoác lên chiếc moto màu sắc của nhà binh, của hình ảnh súng ống, bỗng nhiên chiếc xe có vẻ thời trang hơn và mạnh mẽ hơn. Thời trang dường như có thể góp mặt ở khắp nơi, duy chỉ có nhà binh thời trang là thứ bỏ đi và khó có thể xuất hiện. 

Điều đó được bao biện bằng từ kỷ luật, nhưng ở đất nước của chúng ta cái thiếu nhất chính là kỷ luật. Vậy rõ ràng thời trang không ảnh hưởng tới kỷ luật, chính tư duy mới ảnh hưởng tới kỷ luật. Và tư duy đa dạng thì mới có hệ thống để lắp ghép mới tìm được tính kỷ luật. Nếu chỉ có một tư duy hay chỉ có một con ốc sẽ không lắp ráp một cách kỷ luật để tạo nên chiếc moto có phong cách thời trang lính.


Váy Bút Chì Màu.

Váy bút chì đã quá nổi tiếng từ thời thế chiến thứ hai, có thể tạm xác định do Dior sáng tạo ra, nó tôn vinh vòng 3 của phụ nữ.  

Bút chì giống như cây bảo kiếm của họa sỹ và những nhà thiết kế, nên không mới mẻ gì khi đưa hình tượng bút chì vào trong thiết kế. Vậy điều gì sẽ mới khi chúng ta dựa trên cái cũ?

Sự thật thì chẳng có gì mới cả, mọi thứ là do ta lấy thông tin từ vũ trụ để tạo ra, hình thế hay màu sắc cũng thế, nên cái mới ở đây phải bám sát vào giá trị tinh thần.

Giá trị tinh thần của y phục  phải thể hiện được bản sắc văn hóa địa phương nhưng lại kết nối hòa nhập được với văn hóa toàn cầu, vẫn phải giữ  được sự tinh tế sang trọng, đặc sắc và không quê mùa.

Tính dân tộc của người Việt rất khó thiết kế vì chúng đã giao thoa với rất nhiều nền văn hóa khác, nên để nhìn thấy bản sắc Việt và vẫn thời thượng là vô cùng khó.

Tôi đã hòa trộn nhiều thứ: nón lá, màu thổ cẩm, đôi tất của người vùng cao...bám sát cấu trúc tả thực một cây bút chì màu, mang một ý niệm tinh thần cây bút chì đa sắc màu, đa văn hóa và đa dân tộc của Việt Nam. Nó biểu hiện một khao khát mong manh là có một thể chế đa đảng, đa ngôn ngữ..để cuộc sống tươi vui hơn, rực rỡ hơn, không buồn chán trong hai màu đỏ và vàng chói chang rờn rợn đến tê tái như thấy màu của máu và mỡ người.



Những Chiếc Áo Khoác.

Ý tưởng để tôi vẽ chiếc áo khoác này khá đơn giản, tôi nhìn thấy những bức hình chụp của người trẻ hay chụm tay trên đầu tạo thành hình trái tim. Vậy là bộ não liên tưởng cánh tay là một nửa của chiếc áo khoác.

Để dẫn lối tạo ra một cái gì đó thường bắt đầu bằng những cái nhìn khá quen thuộc, nên đôi khi nhìn quá nhiều lại dễ  tạo ra những cái đã có người tạo ra. Và thời trang là một lĩnh vực như thế, biết nhiều và nhìn nhiều chưa hẳn tốt, tương tự chưa có nội lực mà học quá nhiều chiêu thức chắc chắn lực đánh ra cũng không đủ giết chết một con muỗi. 

Và theo ý kiến cá nhân của tôi nội lực của thời trang chính là trí tưởng tượng, nghĩa là ta phải khoác lên vật thể quen thuộc một chiếc áo mới.

 Khi bạn nghe tiếng vo ve của con muỗi trong đêm khuya sẽ rất khó chịu, phản xạ sẽ tìm cách giết chết tiếng vo ve đó. Thời trang là lĩnh vực thường xuyên phải nghe tiếng vo ve của vô số những ý kiến, những cách nhìn của hàng triệu cá thể. Hiển nhiên sẽ không thể nào giải quyết hết được tiếng vo ve.

Lúc này ta buộc phải hiểu đặc tính của muỗi để gom chúng lại một chỗ, và đặc tính nổi bật của muỗi là dễ bị thu hút bởi khí CO2 tỏa ra từ cơ thể sinh vật sống. Liên tưởng đến thời trang, các tín đồ thời trang luôn bị thu hút bởi sức nóng của mốt hay trào lưu. Nghĩa là bộ y phục phải luôn mới lạ, tinh tế, hợp thời hoặc đi trước thời đại, nó có sức nóng về thị giác mới có thể thu hút được khách hàng.

Nếu bạn nhìn trên sàn diễn là xu hướng bẩy sắc cầu vồng, phấn màu...nghĩa là nó đã cũ. Thời trang buộc phải dự đoán tối thiểu về tương lai gần 1 đến 2 năm. Câu chuyện này lại giống như chơi chứng khoán buộc phải nghiên cứu lịch sử thời trang để tìm ra qui luật vận động, phát triển và suy thoái của nó.


Thời trang như chiếc áo khoác, khoác xong mùa thu, đến hè đã phải bỏ nó, bởi vậy ta luôn phải tạo ra những chiếc áo mới xuân hạ thu đông, không bao giờ là mãi mãi giống như bóng mặt trời lúc dài lúc ngắn.